Giao thông Phúc_Kiến

Đường sắt

Đường sắt cao tốc Hàng Châu-Phúc Châu-Thâm Quyến, đoạn đi qua huyện Liên Giang

Người ta chỉ mới bắt đầu xây dựng đường sắt tại Phúc Kiến từ những năm 1950, khi hai bờ eo biển Đài Loan vẫn còn căng thẳng. Việc xây dựng đường sắt là một phần trong chiến lược của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Đài Loan. Vì thế, tuyến đường sắt từ Ưng Đàm thuộc tỉnh Giang Tô (được xác định là tuyến phòng thủ thứ hai) đến Hạ Môn đã được xây dựng, sau đó kéo dài thêm đến Phúc Châu. Để thu hút đầu tư, Phúc Kiến dự định sẽ tăng chiều dài đường sắt trong tỉnh lên 50%, đạt 2.500 km.[19] Đến nay, đường sắt ở Phúc Kiến không còn phục vụ cho nhu cầu đi lại nội tỉnh mà chủ yếu phục vụ các tuyến đường dài đi đến các tỉnh khác.

Đường sắt Phúc Châu-Hạ Môn là một tuyến đường sắt cao tốc dài 274,9 km. Tuyến đường sắt này được bắt đầu xây dựng vào năm 2005, và đã được nghiệm thu vào tháng 10 năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Tuyến đường sắt có thể đạt tốc dộ trên 200 km/h và toàn hành trình chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Tuyến đường sắt Phúc Châu-Hạ Môn là một phần của Đường sắt cao tốc Hàng Châu-Phúc Châu-Thâm Quyến, vì thế, Phúc Kiến có thể kết nối một cách nhanh chóng và thuận lợi đến hai khu vực kinh tế lớn nhất đất nước là đồng bằng Châu Giangđồng bằng Trường Giang.[20] Dự kiến khi một cây cầu được xây dựng bắc qua vịnh Hàng Châu để phục vụ cho tuyến đường sắt cao tốc, Phúc Kiến sẽ có thể kết nối trực tiếp đến Thượng Hải bằng tuyến đường này.[21]

Đường bộ

Mạng lưới đường bộ của Phúc Kiến đã được phát triển trong những năm đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và luôn ở trong tình trạng tốt để có thể sẵn sàng phục vụ cho việc chuyển quân nếu xảy ra chiến tranh. Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978 và phát triển mạnh nền kinh tế thị trường với các ngành công nghiệp nhẹ, nhu cầu vận tải bằng đường bộ đã tăng lên rất nhiều. Tính đến năm 2012, có 54.876 kilômét (34.098 mi) đường quốc lộ tại Phúc Kiến, trong đó có 3.500 kilômét (2.200 mi) đường cao tốc. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, tức giai đoạn từ 2011 đến 2015, chiều dài đường cao tốc của Phúc Kiến sẽ tăng lên 5.500 kilômét (3.400 mi).[22]

Hàng không

Phúc Kiến có hai sân bay quốc tế là Sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu, Sân bay quốc tế Cao Khi Hạ Môn, và một số sân bay địa phương nhỏ hơn như là Sân bay Tấn Giang Tuyền Châu, Sân bay Nam Bình Vũ Di Sơn, Sân bay Liên Thành. Những sân bay địa phương này được phát triển từ các sân bay quân sự song đến nay vẫn chỉ có một vài tuyến bay. Tuy nhiên, hai sân bay Phúc Châu và Hạ Môn đã được mở rộng và hiện đại hóa. Sân bay Hạ Môn có năng lực phục vụ 15,75 triệu hành khách vào năm 2011, còn Phúc Châu có năng lực tiếp đón 6,5 triệu hành khách mỗi năm với năng lực chuyên chở hàng hóa trên 200.000 tấn. Các sân bay tại Phúc Kiến có các tuyến bay trực tiếp đến 45 điểm, bao gồm cả các điểm quốc tế như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, SingaporeHồng Kông.[19]

Giao thông đường thủy

Phúc Kiến có trên 3.700 km đường thủy nội địa, song lại có ít ý nghĩa vì các dòng chảy quá nông nên tàu lớn không thể đi lại. Ngoài ra, trên nhiều con sông có các đập thủy điện, vì thế Phúc Kiến khó có khả năng phát triển loại hình giao thông này. Tuy nhiên, với lợi thế nằm ven biển cùng nhiều vũng, vịnh, Phúc Kiến có khả năng phát triển giao thông đường biển. Một số hải cảng chính của Phúc Kiến là Hạ Môn, Phúc Châu, Tuyền Châu, Chương Châu, Hàm Giang. Ngoài ra, tỉnh Phúc Kiến còn sẽ hình thành một hải cảng lớn ở vịnh Mi Châu (湄洲湾) thuộc Phủ Điền.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phúc_Kiến http://www.1.cn/fujian.asp http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2008-12/19/c... http://www.vos.com.cn/2010/01/01_145858.htm http://www.fjfao.gov.cn/cms/siteresource/article.s... http://www.fjfao.gov.cn/index/noDateCategory?id=51 http://english.forestry.gov.cn/web/article.do?acti... http://www.fujian.gov.cn http://www.stats-fj.gov.cn/fxwz/tjfx/0201009020028... http://www.stats-fj.gov.cn/tjts/tjgb/0201102230012... http://www.stats-fj.gov.cn/tjts/tjgb/0201202240027...